Quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh Trôm lấy mủ bằng cây con gieo ươm từ hạt

Ngày đăng: 13/07/2021 - 10:01 AM

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG THÂM CANH TRÔM LẤY MỦ BẰNG CÂY CON GIEO ƯƠM TỪ HẠT

(Ban hành kèm theo Quyết định số 770/QĐ-KHLN-KH ngày 31/12/2018 của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt nam)

1. Cơ sở xây dựng quy trình

Quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh Trôm (Sterculia foetida L.) lấy mủ bằng cây con gieo ươm từ hạt dựa trên các kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “Nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật trồng và khai thác mủ cây Trôm (Sterculia foetida L.) ở vùng khô hạn Nam Trung bộ” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2013 - 2018.

2. Mục tiêu

Quy trình này quy định những yêu cầu và các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Trôm lấy mủ bằng cây con gieo ươm từ hạt bao gồm từ khâu chọn lập địa gây trồng, xử lý thực bì, làm đất, cho đến trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng.

3. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy trình này được áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh trồng rừng thâm canh Trôm lấy mủ tại vùng Nam Trung Bộ.

4. Kỹ thuật trồng thâm canh Trôm lấy mủ bằng cây con gieo ươm từ hạt

4.1. Điều kiện gây trồng

-  Khí hậu:

+ Nhiệt độ không khí trung bình năm từ 24oC - 30oC

+ Lượng mưa trung bình ít nhất từ 600 mm/năm – 1.500 mm/năm.

+ Độ ẩm không khí: 70% - 85 %

- Địa hình:

+ Độ cao so với mực nước biển 500 m

+ Đất có độ dốc ≤ 15o

- Đất đai:

+ Feralit đỏ vàng, vàng đỏ, xám vàng phát triển trên sa thạch, phiến thạch, đá macma axit, phiến thạch mica, granit, bazan, liparit,…; Đất xám nâu vùng bán khô hạn (Xk), Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs); Đất cát bị gley (Cg); Đất phù sa được bồi (Pb)Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl),..đất có khả năng thoát nước tốt. Đất đồi núi hoặc nương rẫy bỏ hóa còn giữ được nhiều tính chất đất rừng.

+ Tầng dầy tầng đất trên 50 cm.

+ Độ pH từ 4,56,0

+ Thành phần cơ giới: cát pha, thịt nhẹ, đất sét nhẹ

- Thực bì: bao gồm trảng cỏ, cây bụi đang phục hồi, rừng thứ sinh nghèo sau khai thác, vườn hộ, vườn rừng.

4.2. Thu hái hạt giống và tạo cây con

- Nguồn giống:

+ Giống phải có xuất xứ rõ ràng, tốt nhất thu hái hạt giống trên các cây đã được tuyển chọn hoặc đã được công nhận giống;

+ Thu hái hạt trên các cây mẹ có tuổi trên 10 năm, tán cân đối, lá có màu xanh đậm, thân thẳng, không sâu bệnh, đường kính trên 20 cm. Cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất mủ cao và chất lượng tốt. Cây để thu hoạch hạt giống không nên khai thác mủ trong 1-2 năm nhằm đảm bảo sức sống cho cây và chất lượng hạt giống tốt.

- Thu hái và sơ chế hạt giống:

+ Thời vụ thu hái quả: Quả chín tập trung từng chùm, quả chín rải rác từ  tháng 11 đến cuối tháng 3 năm sau, chín tương đối tập trung trong tháng 1 đến giữa tháng 2. Khi quả chín màu quả chuyển từ màu xanh sang màu đỏ thì tiến hành thu hái, lúc này tỷ lệ nẩy mầm là cao nhất.

+ Phương pháp thu hái: Trèo lên cây, dùng tay hoặc dùng cù nèo hái từng chùm quả, không được bẻ và chặt cành làm ảnh hưởng đến mùa vụ năm sau.

+ Xử lý quả lấy hạt và sơ chế: Chọn những quả già, to, có màu đỏ, sau khi thu hái ủ quả từ 2-3 ngày cho quả chín đều, tiến hành phơi quả dưới nắng tới khi vỏ quả tự tách ra, hoặc dùng dụng cụ tách lấy hạt. Loại trừ tạp vật, hạt lép, giảm bớt trọng lượng trong bảo quản, kéo dài sức sống của hạt. Sau đó đem phơi từ 2-3 ngày ở nơi thoáng, mát đến khi hạt khô, cất giữ trong điều kiện thường tại nơi khô ráo và thoáng.

- Chuẩn bị vườn ươm: Chọn nơi gần khu dự định trồng rừng hoặc phân phối cây con, tiện đường giao thông, gần khu khai thác đất đóng bầu, gần nguồn nước sạch, đủ nước tưới cho cả mùa khô. Mùa mưa không bị ngập úng. Địa hình bằng phẳng (độ dốc < 50), đất cát pha hoặc thịt nhẹ còn màu mỡ, thấm nước và thoát nước tốt.

- Tạo bầu:

+ Dùng loại vỏ bầu PE, bầu có đường kính 13 cm, cao 18 cm, thủng đáy hoặc phải đục lỗ ở đáy và xung quanh để thoát nước.

+ Thành phần ruột bầu: Đất dùng để đóng bầu phải được xử lý 10 – 15 ngày trước khi cho vào bầu, với tỷ lệ gồm 60% đất cát pha + 30% đất sét + 10% phân hỗn hợp (gồm 90% phân chuồng hoai + 5% phân lân + 5% phân kali) hoặc 10% phân chuồng hoai.

- Xử lý hạt giống: Hạt đã khô đem ngâm trong nước nóng (50 - 60oC) và để vậy trong thời gian khoảng 24 giờ. Sau đó vớt hạt ra, để ráo nước và đem ủ 2 - 3 ngày, trong thời gian ủ mỗi ngày rửa chua 1 lần, khi hạt bắt đầu nứt nanh đem gieo trực tiếp vào bầu đất. Chỉ chọn những hạt nứt nanh tối đa 4 ngày kể từ ngày đầu tiên nảy mầm. Tỷ lệ nẩy mầm đạt > 90% nếu hạt sau khi thu hái hoặc 60-70% nếu hạt sau bảo quản.

- Thời vụ gieo ươm: Thời vụ gieo hạt căn cứ vào thời vụ trồng rừng và tuổi cây con xuất vườn, thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6.

- Gieo hạt: Sau khi ủ, chọn những hạt lắp lanh để cắm vào bầu đã chuẩn bị, mỗi bầu gieo 1 hạt, hạt được cắm vào giữa bầu, cắm nghiêng hạt 450 đầu nhọn hạt xuống dưới, độ sâu gieo hạt khoảng 1cm. Gieo xong, sàng đất bột bổ sung lên mặt luống bầu, lấp dầy gấp 1-2 lần đường kính hạt, tiếp tục tủ rơm rạ trên mặt bầu. Sau 3 - 4 ngày gieo hạt (đối với hạt nứt nanh), 6 - 7 ngày (đối với hạt qua xử lý), kiểm tra thấy bầu nào không có cây dùng hạt đã ủ nứt nanh dặm lại.

- Chăm sóc cây con:

 + Giai đoạn này cây con rất cần tưới nước, vì vậy trong 10 ngày đầu cần tưới 2 lần/ngày mỗi lần 10 lít/100m2 nếu là vườn đất cát pha và 7 lít/100m2 nếu là đất thịt nhẹ. 20 ngày tiếp theo tưới 1 ngày/lần với lượng nước tưới 12 lít/100m2. Hai tháng còn lại, mỗi ngày tưới 1 lần với lượng nước tưới là 10 lít/100m2. Trước khi đem cây đi trồng 15 – 20 ngày giảm lượng nước tưới để cây mau thành thục.

+ Làm cỏ, đảo bầu: Tháng thứ nhất làm cỏ phá váng 2 lần, tháng thứ 2 làm cỏ phá váng 1 lần. Làm cỏ lúc trời mát và đất ẩm, làm xong phải tưới nước cho mặt đất ổn định. Trước khi xuất vườn 15 - 20 ngày tiến hành đảo bầu đồng thời loại bỏ các cây không đủ tiêu chuẩn.

+ Bón phân: Đối với cây Trôm không cần phải bón phân nhiều. Khi thấy cây có dấu hiệu suy yếu, kém phát triển, cần dùng một số phân hóa học như NPK hoặc Urê bón với liều lượng vừa phải, cụ thể:

Sau mỗi đợt phá váng tiến hành bón phân.

Tháng thứ nhất dùng 10-15g loại phân NPK 20-20-15/m2 hòa tan phân trong nước để tưới, tưới vào buổi chiều mát, sau khi tưới phân nên tưới lại nước với lượng 8 lít /100m2

Tháng thứ 2 - 3 bón rãi 10-20g/m2 loại phân NPK 20-20-15, ngưng bón phân trước 15 ngày trước khi đem cây đi trồng

-  Phòng trừ sâu bệnh: Cây Trôm ít bị sâu bệnh, cần kiểm tra thường xuyên nếu phát hiện thấy sâu, bệnh hại cần xử lý ngay.

- Đảo bầu và phân loại cây

+ Trong quá trình sinh trưởng, cây có hiện tượng phân hóa cây cao, thấp, lớn, nhỏ trong cùng một luống. Vì vậy, cần chuyển bầu phân loại cây để tập trung những cây có cùng cấp chiều cao vào một khu vực tiện cho quá trình chăm sóc tốt hơn.

+ Tháng thứ 3 tiến hành đảo bầu đồng thời phân loại cây. Khi chuyển bầu, nếu rễ cây đã mọc dài xuyên qua đáy bầu phải cắt bỏ rễ. Dùng dao hoặc kéo sắc cắt. Sau khi cắt cần che bóng và tưới nước cho cây đến khi cây phục hồi thì bỏ che.

+ Loại bỏ các cây không đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Nếu thấy cây chậm phát triển phải tiến hành bón thúc cục bộ hoặc toàn diện.

- Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

+ Tuổi cây:  3- 4 tháng tuổi (kể từ ngày gieo hạt)

+ Cây cao:  35 – 50 cm.

+ Đường kính cổ rễ: trên 0,6 cm

+ Cây sinh trưởng tốt, phát triển cân đối, thẳng, không cụt ngọn, không sâu bệnh.

4.3. Kỹ thuật trồng

- Thời vụ trồng:

+ Căn cứ vào điều kiện thời tiết thuận lợi, đầu mùa mưa khi xác định được lượng mưa lớn, đất đủ ẩm sẽ tiến hành trồng, thông thường thời tiết trồng tại khu vực Nam Trung bộ từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm.

+ Chọn ngày râm mát, lặng gió, (có mưa phùn càng tốt) không trồng vào những ngày nắng nóng.

- Phương thức trồng: Thuần loài

- Mật độ trồng: Tùy theo mục đích canh tác và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà bố trí mật độ trồng khác nhau:

+ Đất nghèo dinh dưỡng trồng mật độ 833 cây/ha (4 m x 3m);

+ Đất tốt trồng mật độ 500 cây/ha (5m x 4m).

- Chuẩn bị đất trồng:

+ Phát dọn toàn diện thực bì bằng thủ công hoặc cơ giới.

+ Cuốc hố, bón lót, lấp hố: Làm đất cục bộ theo hố, hàng cây bố trí theo đường đồng mức. Kích thước hố 40x40x40cm. Khi cuốc hố phải để lớp đất mặt sang một bên nhằm lấy đất khi trồng lại.

+ Bón lót khoảng 2,0 kg phân chuồng và 0,1 kg phân NPK 20-20-15 cho mỗi hố, trộn đều với lớp đất mặt trước khi trồng. Công tác đào hố, lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng 10 – 15 ngày.

- Trồng cây: Cây trồng phải đặt ngay ngắn giữa hố, sau đó dùng dao rạch một đường thẳng từ trên miệng túi bầu xuống đáy túi bầu, từ từ lột bỏ túi bầu PE (tránh làm vỡ bầu đất), dùng tay hoặc cuốc cho lớp đất mặt xuống lấp lại và giẫm chặt xung quanh gốc. Chú ý không lấp đầy hố mà lấp đất cách miệng hố từ 3 - 5 cm để cây trồng tận dụng được lượng nước mưa và mùn, nhưng vẫn không bị đọng nước sau mỗi trận mưa. Trồng xong tủ rơm hoặc chất mùn đảm bảo cho cây giữ ẩm cho đất.

- Trồng dặm:

+ Sau khi trồng 2 - 3 tuần, tiến hành kiểm tra tỉ lệ sống, trồng dặm kịp thời những cây bị chết và những cây kém chất lượng.

+ Để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao và cây phát triển đồng đều, khi trồng dặm phải tuyển chọn cây con có tiêu chuẩn tốt nhất, chiều cao đồng đều với cây đang trồng và trồng vào những ngày có thời tiết thuận lợi nhất.

5. Chăm sóc, quản lý bảo vệ

5.1. Chăm sóc

- Đối với vườn trồng ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (1- 4 năm sau khi trồng) tiến hành làm cỏ xung quanh gốc cây với đường kính 1- 1,5 m thường xuyên 2-3 lần/năm; giữa hai hàng cây phát dọn hoặc cày sâu 5-10 cm.

- Đối với vườn trồng ở giai đoạn kinh doanh hàng năm tiến hành làm cỏ, phát dọn toàn vườn 2 lần vào thời gian đầu và cuối mùa mưa.

- Bón thúc: Năm thứ nhất bón 0,05 kg – 0,1 kg NPK vào đầu mùa mưa; Năm thứ 2; 3 bón 2 đợt, đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, mỗi đợt 2 kg phân hữu cơ + 0,1 kg NPK; Năm thứ 4 bón 2 đợt, đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, mỗi đợt 2 kg phân hữu cơ + 0,2 kg NPK

Những năm tiếp theo tăng khoảng 10% lượng phân cho đến khi cây cho sản lượng ổn định.

5.2. Phòng trừ sâu bệnh

- Cây Trôm hay bị rầy trắng bám lá và hay bị sâu ăn lá non vào đầu mùa mưa, do đó cần thường xuyên kiểm tra vườn và phun thuốc phòng ngừa cho cây. 

- Sử dụng một trong các loại thuốc HOPSAN 75EC, CYPER 25EC, NOUVO 3,6EC theo hướng dẫn trên bao bì.

5.3. Tỉa cành, tạo tán

- Giai đoạn 1: Tiến hành trong 1-2 năm đầu, chọn những cành phát triển chính, loại bỏ những cành tăm, cành thấp tán tạo độ thông thoán để hạn chế sâu bện đồng thời tạo thân thằng vì đây là vị trí khai thác mủ sau này.

- Giai đoạn 2: Từ năm thứ 3 trở đi tiến hành bấm ngọn hạn chế chiều cao khi cây được 4-5m. Thời gian tiến hành tỉa cành vào tháng mùa khô.

5.4. Quản lý và bảo vệ

- Có biện pháp quản lý lập địa hữu hiệu bằng cách trả lại và thúc đẩy phân hủy nhanh toàn bộ vật liệu cành, nhánh, vỏ cây... trong quá trình xử lý thực bì khi trồng, tỉa cành, hoặc cả sau khi khai thác để trả lại dinh dưỡng cho đất.

- Cấm chăn thả trâu bò, dê cừu, lợn thả rông cắn phá và người vào chặt phá rừng bằng cách thiết lập hàng rào để ngăn chặn.  

- Có biện pháp phòng chống lửa (theo tiêu chuẩn ngành 04TCN 88-2006) và sâu bệnh phá hại rừng (Theo tiêu chuẩn TCVN 8927_2013. 

- Bố trí người thường xuyên bảo vệ rừng.

TS. Phùng Văn Khen

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 14

Truy cập ngày: 12883

Tổng truy cập: 275564