QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG KEO LAI, KEO LÁ TRÀM VÀ BẠCH ĐÀN LAI TRÊN LÍP VÀ BỜ BAO TẠI VÙNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN

Ngày đăng: 01/08/2022 - 09:17 AM

QUY TRÌNH KỸ THUẬT

TRỒNG RỪNG KEO LAI, KEO LÁ TRÀM VÀ BẠCH ĐÀN LAI TRÊN LÍP VÀ BỜ BAO TẠI VÙNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 811/QĐ-KHLN-KH ngày 31 /12/2019 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)

 I. LỜI NÓI ĐẦU

            Quy trình kỹ thuật trồng rừng Keo lai các dòng AH1, AH7; Keo lá tràm các dòng AA1, AA9 và Bạch đàn lai các dòng UE24, UE27 trên líp cao và bờ bao tại vùng Tứ giác Long Xuyên là kết quả nghiên cứu của dự án “Sản xuất thử nghiệm các giống TBKT Keo lai (AH1, AH7), Keo lá tràm (AA1, AA9), Bạch đàn lai (UE24, UE27) có năng suất cao đã được công nhận trên líp và bờ bao tại Tứ Giác Long Xuyên nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến ván nhân tạo” được thực hiện từ năm 2016-2018 tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Quy trình kỹ thuật này do nhóm tác giả của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam soạn thảo và có tham khảo thêm các tài liệu gồm: (1) Kết quả của dự án Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trồng rừng Keo lai bằng các dòng có năng suất cao đã được công nhận trên vườn cây tạp và bờ bao vùng rừng tràm bán đảo Cà Mau do Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ thực hiện giai đoạn 2009-2014; (2) Kết quả của dự án ACIAR về Quản lý lâm sinh tối ưu và năng suất rừng trồng keo cho gỗ xẻ có chất lượng cao, do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ phối hợp với tổ chức ACIAR thực hiện giai đoạn 2008-2014; (3) Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật trồng và chuyển hóa rừng Keo lai cung cấp gỗ lớn trên đất phèn ở vùng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau thực hiện năm 2017; (4) Kỹ thuật trồng Keo lai, Keo lá tràm, Bạch đàn trắng Caman của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam; (5) Tiến bộ kỹ thuật mới về kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng keo ở các chu kỳ sau tại Trung Bộ và Đông Nam Bộ ban hành tại Quyết định số 195a/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; và (6) Các tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 11571-1:2016; TCVN 11570-2:2016; TCVN 11570-3:2017; TCVN 11366-1:2016; TCVN 11366-2:2016 và TCVN 11366-3:2019 về yêu cầu lập địa và giống cho Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn.

Những năm gần đây, việc phát triển trồng rừng các loài Keo, Bạch đàn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh đã dần thay thế rừng tràm kém hiệu quả trên vùng đất phèn ở khu vực. Rừng trồng Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn cung cấp gỗ nguyên liệu cho chế biến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có có khả năng thích ứng được với điều kiện đất phèn. Năng suất rừng trung bình đạt từ 25 – 30 m3/ha/năm; trên vùng đất tham bùn ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau năng suất có thể đạt đến 45 m3/ha/năm. Bênh cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập về công tác giống, kỹ thuật lên líp và trồng rừng cần được hoàn thiện để có được quy trình trồng rừng thâm canh trên líp và bờ bao theo hướng bền vững.

Hiện nay vẫn còn nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng các giống không rõ nguồn gốc, giống cũ không phù hợp với điều kiện lập địa để trồng rừng, trong khi các giống Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn lai đã được Bộ NN&PTNT công nhân là giống tiến bộ kỹ thuật mới, giống Quốc gia còn chậm đưa vào sản xuất. Vì vậy, để trồng rừng thâm canh theo hướng bền vững cần sử dụng các giống đã được công nhận là giống Quốc gia như các loài: Keo lai dòng AH1, AH7; Keo lá tràm dòng AA1, AA9 và Bạch đàn lai dòng UE24, UE27 để trồng rừng. Bên cạnh đó, cần áp dụng kỹ thuật lâm sinh phù hợp với điều kiện đất ngập phèn như: kỹ thuật xử lý thực bì, lên líp, bón phân, mật độ trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa đơn thân, tỉa cành, tỉa thưa và quản lý bảo vệ phòng chống cháy rừng là rất quan trọng.

 Căn cứ sản phẩm của dự án theo đặt hàng và yêu cầu của thực tiễn sản xuất hiện nay. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng rừng Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn lai trên líp cao và bờ bao tại vùng Tứ giác Long Xuyên để đáp ứng nhu cầu phát triển rừng trồng để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo.

II. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục tiêu, nội dung

Quy trình kỹ thuật này quy định những nội dung, nguyên tắc và yêu cầu kỹ thuật trồng rừng thâm canh Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn lai trên líp cao và bờ bao tại vùng Tứ giác Long Xuyên từ khâu chọn lập địa, điều kiện gây trồng, kỹ thuật làm đất, lên líp, nguồn gốc giống, kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc tỉa đơn thân, cành, tỉa thưa và bảo vệ phòng chống cháy rừng nhằm mục đích cung cấp gỗ nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo.

2. Phạm vi áp dụng

            Quy trình này áp dụng cho trồng rừng thâm canh Keo lai các dòng AH1, AH7; Keo lá tràm các dòng AA1, AA9 và Bạch đàn lai các dòng UE24, UE27 trồng thuần loài bằng cây mô hoặc cây hom trên líp cao và bờ bao tại vùng Tứ giác Long Xuyên và các vùng khác có điều kiện lập địa tương tự.

3. Đối tượng áp dụng

Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện phù hợp trồng rừng thâm canh Keo lai các dòng AH1, AH7; Keo lá tràm các dòng AA1, AA9 và Bạch đàn lai các dòng UE24, UE27 với mục đích kinh doanh lấy gỗ nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo.

III. QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG KEO LAI, KEO LÁ TRÀM VÀ BẠCH ĐÀN LAI TRÊN LÍP VÀ BỜ BAO TẠI VÙNG TỨ GIÁC LONG XUYÊN

1.  Điều kiện gây trồng

Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn lai là các loài sống được trên nhiều dạng lập địa từ đất phèn thấp đến đất đồi, đất cát và đất trên núi cao.

Điều kiện khí hậu: Thích hợp trồng ở những vùng có nhiệt độ không khí trung bình năm 25-30oC và lượng mưa trung bình > 700mm/năm (tốt nhất từ 1.500-2.000mm) nên đối với vùng Tứ giác Long Xuyên có điều kiện khí hậu phù hợp.

Địa hình: Độ cao tuyệt đối dưới 800m so với mực nước biển, khi trồng trên líp và bờ bao phải đảm bảo không bị ngập trong mùa mưa lũ.

Đất đai: Có thể trồng trên đất cát ven biển, đất phù sa bồi tụ thoát nước, đất phèn không ngập nước, đất có pH từ 4 – 6,5. Không trồng trên đất ngập úng và đất thoát nước kém.

(Tham khảo TCVN 11366-1:2016 Rừng trồng - Yêu cầu lập địa – Phần 1. Keo lai; TCVN 11366-2:2016 Rừng trồng - Yêu cầu lập – Phần 1. Bạch đàn lai; TCVN 11366-3:2019 Rừng trồng - Yêu cầu lập – Phần 3. Keo lá tràm Phần 4: Keo lai)

2. Nguồn giống

Cây giống mô hoặc hom của các loài Keo lai dòng AH1, AH7 đã được công nhận là giống Quốc gia tại Quyết định số 3747/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/9/2015; Keo lá tràm dòng AA1 và AA9 được công nhận là giống Quốc gia tại quyết định số 3377/QĐ/BNN-TCLN, ngày 16/12/2010 và Bạch đàn lai dòng UE24, UE27 là giống quốc gia đã được công nhận tại Quyết định số 3905/QĐ/BNN-KHCN, ngày 11/12/2007 và dòng UE27 là giống Quốc gia được công nhận tại Quyết định số 3954/QĐ/BNN-LN, ngày 11/12/2008.

- Tiêu chuẩn cây giống trồng rừng:

+ Cây con là cây mô hoặc hom sản xuất trong túi bầu có kích thước 6x12cm

+ Cây giống phài đạt từ 2 – 4 tháng tuổi sau khi cấy cây vào túi bầu

+ Chiều cao cây con: 25-35cm.

+ Đường kính cổ rễ: từ 0,3-0,4cm đối với Keo lai, Keo lá tràm và Bạch đàn lai.

+ Chất lượng: Cây cứng cáp, sinh trưởng tốt, một thân, không cong queo, không cụt ngọn, không có biểu hiện bị sâu bệnh.

(Tham khảo TCVN 11571-1:2016 về Giống cây lâm nghiệp – Cây giống Bạch đàn. Phần 1:. Bạch đàn lai; TCVN 11570-2:2016 về Giống cây lâm nghiệp – Cây giống keo. Phần 2: Keo lai; TCVN 11570-3:2017 về Giống cây lâm nghiệp – Cây giống keo. Phần 3: Keo lá tràm)

3. Trồng rừng

3.1. Thời vụ trồng

- Trồng trước lũ: Thời điểm trồng rừng thích hợp từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa khoàng từ tháng 6  đến hết tháng 8.  

- Trồng sau lũ: Thời điểm trồng rừng sau khi lũ rút, khoảng từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11.

3.2. Mật độ trồng rừng

Mật độ trồng rừng phù hợp nhất là 1.666 cây/ha (cự ly trồng 3m x 2m) và 2.500 cây/ha (cự ly trồng 2m x 2m) trên mặt líp.

3.3. Xử lý thực bì và vật liệu hữu cơ sau khai thác

- Xử lý thực bì trước khi nên líp mới Xử lý thực bì toàn diện bằng bằng máy hoặc thủ công. Thực bì được rải đều trên mặt líp đã thiết kế để khi đào kênh lên líp thì đất sẽ phủ lấp toàn bộ lớp thực bì dưới độ sâu trên 30cm.

- Xử lý thực bì trên bờ bao sẵn có:

+ Đối với rừng trồng chu kỳ đầu: Xử lý thực bì bằng cách phát dọn toàn diện trước khi tiến hành cuốc hố trồng rừng. Dùng máy phát cỏ hoặc phát dọn thủ công.

+ Đối với rừng trồng chu kỳ sau: Để lại toàn bộ vật liệu hữu cơ sau khai thác gồm cành, ngọn có đường kính <5cm, lá cây, vỏ cây, cùng tất cả cây bụi, thảm tươi và vật rơi rụng dưới tán rừng sau khi khai thác. Vật liệu hữu cơ giữ lại được phát thủ công chặt ngắn để lại chiều dài khoảng từ 0,5 – 1m, rải đều trên mặt bờ bao hay rải thành luống dọc theo các hàng cây dự kiến trồng.

Tham khảo Tiến bộ kỹ thuật “Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng keo ở các chu kỳ sau tại Trung Bộ và Đông Nam Bộ theo Quyết định số 195a/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và “Kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác kết hợp bón phân cho Keo tai tượng ở các chu kỳ sau tại vùng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo Quyết định số 594/QĐ-TCLN-KH&HTQT ngày 28 tháng  12 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

3.4. Làm đất

Đối với những vùng đất phèn ở vùng Tứ giác Long Xuyên, để trồng Keo lai chúng ta phải tiến hành lên líp cao hoặc tận dụng những bờ bao, bờ xáng đã có sẵn có cao trình đủ cao đảm bảo không bị ngập nước vào mùa mưa lũ.

- Lên líp: Sử dụng phương tiện cơ giới (cần cuốc), phương pháp này tạo ra các líp bằng cách đào kênh và lấy đất từ kênh đắp thành líp cao có chiều cao mặp líp từ 0,7 – 0,8m và phải cao hơn mức nước ngập cao nhất từ 30cm trở lên. Kỹ thuật đào đất phải lấy lớp đất ở tầng dưới đắp lên trước và lớp đất mặt phủ lên trên mặt líp để giảm lượng phèn. Lập địa đất phèn ở khu vực Tứ giá Long Xuyên được khuyến cáo lên líp với quy cách như sau:

+ Chiều rộng mặt líp từ 7 – 8m

+ Chiều cao líp so với mặt đất tự nhiên ≥ 0,7m

+ Độ rộng của mương từ 4 – 4,5m

+ Tỷ lệ sử dụng đất khi lên líp cao: Từ 60 - 65%

+ Độ sâu mương <1m để không đào bới đến tầng sinh phèn làm ô nhiễm môi trường đất và nước.

- Cuốc hố trồng rừng: kích thước hố 30 x 30 x 30 cm.

3.5. Bón lót và lấp hố

- Đối với rừng trồng Keo lai và Keo lá tràm

+ Loại phân: Sử dụng phân lân nung chảy để hạ phèn có hàm lượng từ 15-17% P205

+ Liều lượng bón: 100-200 g/cây

+ Kỹ thuật bón: Để tránh cây bị chết do ngộ độc phân bón, phân NPK được bón xuống đáy hố với kích thước hố tối thiểu rộng 30 × 30 cm và sâu 30 cm, sau đó đảo phân trộn với đất dưới đáy hố sau đó tiến hành lấp hố đất. Sau khi bón phân ít nhất 1 tuần tiến hành trồng cây khi có mưa, đất đủ ẩm.

- Đối với rừng trồng Bạch đàn lai:

+ Loại phân: Sử dụng phân lân nung chảy để hạ phèn có hàm lượng từ 15-17% P205 kết hợp với phân NPK (16:16:8).

+ Liều lượng bón: 100-200 g lân/cây + 100 g NPK/cây

+ Kỹ thuật bón: Để tránh cây bị chết do ngộ độc phân bón, phân NPK được bón xuống đáy hố với kích thước hố tối thiểu rộng 30 × 30 cm và sâu 30 cm, sau đó đảo phân trộn với đất dưới đáy hố sau đó tiến hành lấp hố đất. Sau khi bón phân ít nhất 1 tuần tiến hành trồng cây khi có mưa, đất đủ ẩm.

3.6. Kỹ thuật trồng

  • Thời điểm trồng: Trồng cây vào những ngày râm mát, mư­a nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Rải cây giống đến đến đâu, trồng ngay đến đó và trồng hết trong ngày.
  • Kỹ thuật trồng: Dùng cuốc, bay, hoặc cọc vót nhọn để tạo một lỗ sâu giữa hố, rộng và sâu hơn bầu. Khi trồng cây phải xé bỏ vỏ bầu, đặt cây ngay ngắn vào giữa hố vừa tạo, lấp đất kín cao hơn cổ rễ khoảng 2 cm và ấn nhẹ xung quanh đảm bảo tránh làm vỡ bầu, và cây phải đứng thẳng, không bị nghiêng. Lưu ý thu dọn và xử lý vỏ bầu như đối với rác thải khó phân hủy.

4. Chăm sóc

4.1. Trồng dặm

Sau khi trồng cây khoảng 10 - 15 ngày kiểm tra tỷ lệ sống của cây trồng và tiến hành trồng dặm những cây bị chết. Cây con trồng dặm phải đủ tiêu chuẩn như cây trồng chính. Kỹ thuật trồng dặm như trồng chính, và thời gian trồng dặm không kéo dài quá một tháng sau khi trồng chính.

4.2. Chăm sóc rừng trồng

Tùy theo thời vụ trồng và tình hình phát triển của cỏ dại để xác định thời điểm và biện pháp kỹ thuật chăm sóc thích hợp:

* Chăm sóc năm thứ nhất:

+ Chăm sóc 02 lần/năm nếu rừng trồng từ tháng 6 đến tháng 8 (vào đầu mùa mưa); Chăm sóc 1 lần/năm nếu rừng trồng tháng 11 (sau khi lũ rút)

+ Nội dung chăm sóc lần 1: Phát thực bì, cắt dây leo trên toàn diện tích; Xới vun nhẹ xung quanh gốc với đường kính khoảng 0,8 m để làm sạch cỏ và giúp cây đứng thẳng.

+ Thời gian chăm sóc: Sau khi trồng khoảng 2 tháng

+ Nội dung chăm sóc lần 2: Phát thực bì toàn diện, Xới vun gốc xung quanh gốc cây với đường kính rộng khoảng 1 m.

* Chăm sóc năm thứ hai:

+ Số lần chăm sóc: 2 lần/năm

+ Thời gian chăm sóc đầu mùa mưa (tháng 5&6) và cuối mùa mưa (tháng 10&11)

+ Nội dung chăm sóc: Phát dọn thực bì, dây leo leo bụi rậm trên toàn diện tích

* Chăm sóc năm thứ ba:

+ Số lần chăm sóc: 2 lần/năm

+ Thời gian chăm sóc đầu mùa mưa (tháng 5&6) và cuối mùa mưa (tháng 10&11)

+ Nội dung chăm sóc: Phát dọn thực bì, dây leo leo bụi rậm trên toàn diện tích

4.3. Tỉa đơn thân và tỉa cành

- Tỉa tạo cây đơn thân:

+ Mục đích tạo cây có 1 thân thẳng, loại bỏ các thân phụ và cành lớn làm ảnh hưởng đến hình thân.

+ Thời điểm áp dụng khi rừng trồng đạt từ 3-6 tháng tuổi khi cây có chiều cao từ 1-1,5m. Thời gian tỉa vào giữa mùa khô hàng năm để trách xâm nhập của nấm bệnh.

+ Kỹ thuật tỉa:

Đối với những cây nhiều thân: Tiến hành chọn lựa và giữ lại thân chính, là thân có chiều cao và đường kính lớn nhất, có chất lượng thân tốt nhất để giữ lại và cắt bỏ các thân phụ bằng cách cắt sát gốc hoặc sát thân chính.

Tỉa cành lớn: Nếu cây có cành lớn (có đường kính ≥ 2 cm), tiến hành cắt 50% chiều dài cành để hạn chế sự phát triển của cành đó. Không cần cắt sát thân để giữ diện tích lá cho cây quang hợp và có thể tạo thành vết cắt lớn có thể tạo khuyết tật gỗ hoặc nấm bệnh xâm nhập.

- Tỉa cành tạo hình dáng thân và nâng tỷ lệ lợi dụng gỗ:

+ Tỉa cành lớn và cành nhỏ cho đến khi chiều cao đoạn thân được tỉa cành đạt độ cao đến 4,5m (tương đươnh với 2 khúc gỗ xẻ).

+  Thời điểm áp dụng: Tùy theo tình hình sinh trưởng của cây để áp dụng số lần tỉa cành cho phù hợp.

+ Thời gian tỉa: Cuối mùa sinh trưởng (Lần 1 khi cây đạt từ 9-12 tháng tuổi; lần 2 khi cây đạt 15-18 tháng tuổi và lần 3 khi cây đạt 22-24 tháng tuổi).

+ Kỹ thuật tỉa:

Tỉa cành lớn: Các cành lớn có đường kính gốc cành ≥ 2/3 đường kính thân cây có khả năng cạnh tranh với thân chính tạo cây nhiều ngọn có khả năng làm lệch hình dạng thân và tán cây sẽ được cắt bỏ 50% chiều dài cành để hạn chế sự phát triển của cành đó.

Tỉa cành nâng độ cao tán: Sử dụng kéo cắt cành hoặc cưa tay để cắt bỏ tất cả các cành sống lên tới độ cao khoảng 40 - 50% chiều cao cây tính từ dưới lên để làm tăng tỷ lệ lợi dung gỗ và hạn chế mắt chết tạo nên khuyết tật gỗ. Số lần tỉa tùy thuộc vào mục đích kinh doanh để tạo 1 hay 2 khúc gỗ xẻ có chiều dài 2,2m để có số lần tỉa phù hợp: Tỉa lần 1 khi cây rừng đạt 18 tháng tuổi (chiều cao cây trung bình từ 6-7m) tỉa cao đến 2m. Tìa lần 2 khi cây rừng đạt 24 tháng tuổi (chiều cao cây trung bình từ 9-10m), tỉa cao đến 4,5m

Lưu ý: Dụng cụ cắt phải sắc, đảm bảo vết cắt nhẵn, bề mặt vết cắt nên song song, sát với thân và tránh xước vỏ thân cây. Tốt nhất là dùng kéo cắt cành chuyên dụng, tránh sử dụng dao phát cành để lại gốc cành không cắt sát thân hoặc gây xước vỏ thân cây. Khi cây phát triển cao, cần dùng thang gấp hoặc kéo cắt cành trên cao khi tỉa cành; không dựa thang vào thân và làm tổn thương dẫn tới đổ gãy cây.

4.4. Tỉa thưa rừng Keo lai

Keo lai có tốc độ sinh trưởng rất nhanh trong thời gian đầu; sự cạnh tranh giữa các cây ở lâm phần không tỉa thưa sẽ tác động đến sinh trưởng của từng cá thể. Do vậy, để duy trì tốc độ sinh trưởng cao, tỉa thưa phải được tiến hành khi lâm phần đã khép tán.

- Mục đích: Tỉa thưa rừng là làm giảm mật độ lâm phần, tạo điều kiện cho những cây giữ lại tiếp cận với ánh sáng, dinh dưỡng và đất nhằm thúc đẩy sinh trưởng đường kính cây rừng và giảm tỷ lệ sâu bệnh hại rừng trồng.

- Thời điểm tỉa thưa: Tỉa thưa đầu tiên sẽ được thực hiện từ tuổi 2 đến tuổi 3.

+ Tỉa thưa được tiến hành vào đầu mùa mưa để giảm tối đa ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng

+ Tỉa thưa lần đầu tiên khi rừng đạt đường kính trung bình từ 8 – 9 cm hoặc từ 11 – 12 cm.

- Cường độ tỉa thưa:

+ Đối với lâm phần có mật độ trồng 1667 cây/ha (cữ ly trồng 3m x 2m), tỉa thưa lần 1 tương ứng với mật độ để lại từ 800 – 900 cây/ha.

- Kỹ thuật bài cây:

+ Giữ lại cây có hình dáng tốt, một thân, đường kính lớn, cành nhỏ.

+ Cây tỉa là những cây có hình thân xấu, đường kính nhỏ, cành lớn, đa ngọn và bị sâu bệnh hại.

+ Để đảm bảo khoảng cách, không chặt tỉa quá 2 cây liên tiếp trên cùng một hàng ở bất kỳ hàng nào.

- Kỹ thuật chặt hạ và vận chuyển cây:

+ Tuân thủ đúng qui trình khai thác, làm đổ cây vào giữa hàng và không làm ảnh hưởng đến thân và tán cây chừa lại.

+ Chỉ lấy ra những sản phẩm gỗ, phần cành nhánh để lại rừng để tăng lượng dinh dưỡng trả lại cho rừng.

+ Không sử dụng phương tiện vận xuất trên líp để tránh nèn chặt đất và gây tổn thương đến cây chừa lại.

5.  Bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng

- Rừng trồng cần kiểm tra thường xuyên, bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn người và gia súc phá hoại.

- Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh cần phải báo cho cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn để xử lý.

Thực hiện việc bảo vệ và phòng cháy rừng theo quy định./.

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 13

Truy cập ngày: 18188

Tổng truy cập: 260709