Lịch sử hình thành Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Nam Bộ

Ngày đăng: 06/03/2021 - 01:25 PM

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP NAM BỘ QUA CÁC THỜI KỲ

 

          1. Giai đoạn 1977-1991: Phân viện nghiên cứu lâm nghiệp phía Nam

Năm 1977 khi thành lập, chức năng nhiệm vụ chính của Phân viện nghiên cứu Lâm nghiệp phía Nam là “Nghiên cứu thực nghiệm về kỹ thuật lâm nghiệp nhằm xây dựng các hệ thống biện pháp kỹ thuật và phương thức kinh doanh rừng có căn cứ khoa học và kinh tế để đẩy mạnh tiến độ sản xuất, nâng cao chất lượng rừng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu sản xuất lâm nghiệp đặt ra ở phía Nam” (quyết định số 111/Tch ngày 15/1/1977 của Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp). Theo đó, tổ chức ban đầu của Phân viện gồm: Trại thí nghiệm Kon Hà Nừng (trại vùng Bắc Tây nguyên), Trại thí nghiệm Ea-kmat DakLak (trại vùng Trung tây nguyên), Trại thí nghiệm Lâm Đồng (trại vùng Nam Tây nguyên), trại thí nghiệm Trảng Bom (trại vùng Đông Nam Bộ) và trại thí nghiệm Tân Tạo (trại thí nghiệm đất ngập phèn -Tp. Hồ Chí Minh). Văn phòng Phân viện tại số 01, đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai), quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, Phân viện có 4 bộ môn nghiên cứu khoa học gồm:  bộ môn Lâm học, Trồng rừng, Đặc sản rừng & Sâu bệnh, và bộ môn Gỗ. 01 phòng thí nghiệm tổng hợp (đất, sâu bệnh), 01 phòng thông tin tư liệu. Bộ phận Hành chính gồm 3 tổ là: Kế hoạch khoa học, Kế toán tài vụ, và Tổ chức hành chính. Thời gian đầu, tổng số CBVC của Phân viện khỏang 150 người, tại Văn phòng khỏang 40 người gồm cán bộ nghiên cứu và nhân viên phòng thí nghiệm. Ở các trại thí nghiệm, phân nửa là cán bộ nghiên cứu còn lại là công nhân kỹ thuật lâm nghiệp. Phân viện có 9 tiến sĩ, trên 40 kỹ sư với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau, không thuần chỉ là chuyên môn ngành lâm nghiệp.

Thời gian này, Phân viện thực hiện tốt các dự án hợp tác quốc tế như dự án VIE/76/016 của FAO/UNDP (1,456 triệu USD từ 1979-1983); dự án cây Điều của FAO tài trợ (hơn 1triệu USD từ 1986-1991). Hợp tác với Trung tâm giống DANIDA Đan Mạch về nghiên cứu giống cây lâm nghiệp. Một số đề tài nghiên cứu về kỹ thuật trồng sao, dầu, tếch, dược liệu, đậu mèo, mít, lâm nông kết hợp, cơ giới trồng rừng… cũng đã được triển khai. Kết qủa nghiên cứu nổi trội là các công trình nghiên cứu về mô hình trồng sao-dầu trên một số lập địa của miền Đông Nam Bộ với kỹ thuật của P. Maurandt kết hợp các loài cây phụ trợ và trồng xen; Kết qủa NC cũng đã đưa được loại Thông Caribê, vốn là loài cây nguyên sản ơ vùng ven đại dương vào trồng thành công tại vùng Đông Nam bộ (Hiếu Liêm, Mã Đà). Nghiên cứu các kiểu rừng khí hậu – thổ nhưỡng ở Bắc Tây nguyên, thông ở Lâm Đồng, gỗ lớn ở miền Đông Nam bộ cho cây Tếch và rừng ngập phèn vùng ĐBSCL cho các loài bạch đàn và tràm cừ. Chính nhờ những NC này, cây bạch đàn và tràm cừ đã trở thành loài cây trồng phân tán và phổ thông ở hầu khắp vùng phía Nam.

 Một trong những cố gắng của giai đoạn này là công tác thông tin tư liệu. Với 32 số của “Tập san thông tin khoa học kỹ thuật lâm nghiệp phía Nam” của Phân viện được duy trì rất tốt và đều đặn trong suốt 8 năm (1983-1988), với 270 bài viết về các kết qủa nghiên cứu khoa học. Đã có 31 báo cáo khoa học; 5 qui trình qui phạm được đề nghị và 4/5 được Bộ ban hành; đã có 5 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về kỹ thuật cải tạo rừng theo băng, phòng trừ sâu bệnh cây Tếch, kỹ thuật trồng Thông Caribê, kỹ thuật gieo ươm trồng các loài cây ngập mặn, ngập phèn; có 2 tài liệu về cơ cấu cây trồng (1983 và 1985) cho hai vùng sinh thái là Đông Nam bộ và ĐBSCL. Tất cả những tư liệu và ấn phẩm này đã là những “dấu ấn” về kết qủa hoạt động KHCN của Phân viện giai đoạn này và đã góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp phía Nam, mặc dù khi ấy điều kiện in ấn rất khó khăn.

Tuy nhiên, khoảng thời gian từ 1987-1990, tổ chức của Phân viện đã bị thu hẹp lại, một phần bởi kinh tế đất nước khó khăn, đầu tư của Nhà nước hạn chế, CBVC xin đi xuất cảnh nhiều và xin chuyển công tác. Ở giai đoạn này, thực chất Phân viện chỉ còn trại thí nghiệm ở Tân Tạo, một số trại nghiên cứu đã trực thuộc Viện Lâm nghiệp, cơ sở vật chất và thư viện của Phân viện…đã bị xuống cấp do không được đầu tư và thất thoát do chuyển giao giữa các đơn vị khác nhau. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của Phân viện trong suốt 35 năm hoạt động

2. Giai đoạn 1992-2001: Phân viện nghiên cứu Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ

Từ năm tái thành lập Phân viện vào đầu năm 1992 với tên gọi mới là Phân viện Nghiên cứu Khoa học lâm nghiệp Nam bộ (quyết định số 01/TCLĐ ngày 03/01/1992 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp- nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT). Đây là giai đoạn phục hồi lại tổ chức của Phân viện với tên mới là “Phân viện Nghiên cứu khoa học lâm nghiệp Nam bộ”. Thời gian này, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã chú trọng củng cố tổ chức của Phân viện với việc hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Minh Hải, Trung tâm nghiên cứu phát triển cây Điều và giống cây trồng Bình Dương trực thuộc Phân viện. Theo đó, diện tích rừng cho nghiên cứu khoa học của Phân viện được mở rộng tại các tỉnh Minh Hải (Ngọc Hiển, U Minh), Bình Dương (Chơn Thành, Phú Bình).

Thời gian này, một số chương trình khoa học công nghệ như chương trình KN03, chương trình 5 triệu ha rừng (dự án 327, dự án 661) các đề tài nghiên cứu về lâm nghiệp xã hội (KN03 08), các nghiên cứu về khảo nghiệm giống bạch đàn và tràm trên đất ngập phèn (tại Tân tạo TP. HCM), nghiên cứu chế biến tinh dầu và tràm cừ (tại Long An), nghiên cứu kỹ thuật trồng tre, trồng thâm canh keo lai (tại Bình Phước). Một số nghiên cứu hợp tác với địa phương đã bắt đầu thực hiện như nghiên cứu trồng cây phân tán (tại Trà Vinh); làm giàu rừng tự nhiên, kỹ thuật trồng cây tràm vùng bán ngập lòng hồ Thác Mơ (Bình Phước); nghiên cứu cải tạo vườn Điều; thử nghiệm trồng cây quí hiếm, bảo tồn nguồn gen; sản xuất thực nghiệm các sản phẩm gỗ tạo ván dăm gỗ, ván ghép thanh tre…tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Về dự án: đã thực hiện dự án sản xuất thử ván dăm cọng dừa nước; dự án lâm nghiệp xã hội tại Long An. Nổi bật của giai đoạn này là Phân viện thực hiện tốt dự án hợp tác quốc tế với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) “Phát triển kỹ thuật trồng rừng trên đất phèn ở ĐBSCL” (1,6 triệu USD, 1997-2002) tại Long An. Dự án đã góp phần mở rộng diện tích rừng trồng tràm bằng chọn giống mới nhập từ Ôxtrâylia và áp dụng kỹ thuật lên liếp trồng rừng ở ĐBSCL. Dự án đã góp phần cải thiện tốt cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học cho Phân viện như phương tiện đi lại, vật tư các phòng thí nghiệm về giống, phòng thí nghiệm phân tích đất và văn phòng trạm thực nghiệm Thạnh Hóa ở Long An. Dự án kế tiếp là dự án khảo nghiệm giống cây lâm nghiệp trồng rừng chủ lực ở phía Nam với Fortip (Ôxtrâylia) tại Bình Phước với hơn 150 gia đình giống của ba loài bạch đàn, keo tai tượng và keo lá tràm để cải thiện giống cây trồng rừng ở vùng Đông Nam bộ. Dự án lâm nghiệp xã hội với OSB (Ôxtrâylia) tại Đồng Nai & Bình Phước đã giúp xây dựng các mô hình kỹ thuật lâm nông kết hợp qui mô hộ gia đình trong phát triển rừng ở phía Nam.

Với sự quan tâm của Bộ NN&PTNT và Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, một số cơ sở hạ tầng tại các trạm thực nghiệm đã được đầu tư, nâng cấp như hệ thống kênh, mương, đường, cầu…..tại trạm TNLN Thạnh Hóa (Long An); văn phòng Trung tâm NC & Phát triển cây Điều (Bình Dương); và Nhà thí nghiệm 3 tầng tại số 01 đường Phạm Văn Hai. Tổ chức các trạm thực nghiệm mới của Phân viện cũng được hình thành như trạm thực nghiệm lâm nghiệp Tân Phú 260 ha tại Bình Phước, Thiện Nghiệp 150 ha tại Bình Thuận.

3. Giai đoạn 2002 – 2011

Từ năm 2002-2011, đây là giai đoạn Phân viện tiếp tục được mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ.

Về tổ chức, hệ thống các trạm thực nghiệm của Phân viện đã được bố trí tương đối hoàn thiện, đại diện của ba vùng sinh thái đó là: vùng đất cát ven biển với trạm TNLN Thiện Nghiệp tại Bình Thuận, vùng đất xám miền Đông Nam bộ với các trạm TNLN Tân Lập, Phú Bình, Nghĩa Trung và Trung tâm ứng dụng kỹ thuật lâm nghiệp Bình Dương; vùng đất ngập nước với trạm TNLN Thạnh Hóa.

Đã thực hiện 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ, 8 dự án lâm nghiệp, 20 hợp đồng nghiên cứu khoa học, 20 dịch vụ khoa học công nghệ từ phân tích mẫu đến điều tra khảo sát, tư vấn. (xem các danh mục kèm theo).

Trong 5 năm gần đây (2006-2011), các hoạt động nổi bật gồm:

  • Nhiệm vụ khoa học công nghệ:

Số nhiệm vụ khoa học công nghệ đã tăng đáng kể: đã thực hiện 13 đề tài NCKH, trong đó có 2 đề tài thuộc chương trình cấp nhà nước (CNSH và Sinh kế vùng cao), 3 đề tài trọng điểm cấp bộ, 3 đề tài cấp bộ, 1 đề tài độc lập cấp bộ, 4 đề tài cơ sở. Các đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu về giống, công nghệ sinh học, lâm sinh, môi trường rừng và kinh tế xã hội. Trong số này, có 8 đề tài đã được nghiệm thu, 3 đề tài tổng kết xếp loại khá, các đề tài khác đang thực hiện theo kế hoạch được giao. Trong số các đề tài trên, có 4 đề tài là kết qủa của trúng thầu tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Về kinh phí, đầu tư cho hoạt động KHCN 5 năm qua của Phân viện ngày càng tăng: năm 2006 (5,16 tỷ), năm 2007 (8,69 tỷ), năm 2008 (10,1 tỷ), năm 2009 (10,58 tỷ), năm 2010 (hơn 11 tỷ) đồng, và năm 2011 hơn 11 tỷ đồng. 

  • Dịch vụ khoa học công nghệ:

Ngoài nghiên cứu khoa học được giao từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phân viện đã thực hiện 14 đề tài và chuyên đề nghiên cứu theo yêu cầu của địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 công trình hoàn thành được nghiệm thu thanh tóan, các công trình còn lại đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Việc hợp tác nghiên cứu với địa phương vừa góp phần đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn, vừa là cơ hội cho cán bộ nghiên cứu nâng cao trình độ và cải thiện đời sống. Nguồn thu sự nghiệp (do các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ thông qua các đề tài hợp tác NC, phân tích mẫu, tư vấn KHCN) đã tăng đáng kể: năm 2006 (0,655 tỷ), năm 2007 (2,31 tỷ), năm 2008 (1,46 tỷ), năm 2009 (1,66 tỷ), năm 2010 (1,7 tỷ) đồng, năm 2011 là 2 tỷ đồng.

  • Về dự án lâm nghiệp:

Đã thực hiện tốt 3 dự án trong nước, đó là dự án “Phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng trên đất cát ven biển, đất phèn và đất ngập mặn 2006-2010” (kinh phí 12,2 tỷ đồng); dự án 661 (377 triệu đồng); dự án tăng cường trang thiết bị CNSH (4,7 tỷ đồng). Ba dự án hợp tác quốc tế là dự án “Đào tạo kỹ thuật trồng rừng trên đất phèn ở ĐBSCL” (2002-2005) do JICA tài trợ kinh phí 2.041 triệu đã góp phần phổ cập kiến thức trồng rừng tràm ở ĐBSCL cho nông dân tại 12 tỉnh trong vùng; dự án “Quản lý lập địa và năng suất rừng trồng nhiệt đới (2002-2007, kinh phí 67.500 USD, hợp tác với Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế CIFOR; và dự án hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Ôxtrâylia (ACIAR) “Quản lý lâm sinh tối ưu và năng suất rừng trồng keo cho gỗ xẻ chất lượng cao” (2008-2012) (kinh phí 185.822 A$ sử dụng tại Phân viện). Các dự án đã và đang thực hiện tốt và được đánh giá cao.

  • Đào tạo nguồn nhân lực:

Giai đoạn này, lực lượng cán bộ nghiên cứu của Phân viện được đào tạo nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhiều. Đến nay có khỏang 1/3 cán bộ so tổng số CBVC trong biến chế có trình độ trên đại học gồm 2 tiến sĩ, 9 thạc sĩ. Hiện có 4 người đang học cao học và 4 NCS tiến sĩ. Số lượng cán bộ nghiên cứu có điều kiện đi thăm quan thực tế và học tập ngắn hạn ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế và theo kế hoạch của các đề tài nghiên cứu trọng điểm đã được tăng lên. Phân viện bắt đầu tham gia vào công tác giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh ở các cơ sở đào tạo phía Nam.

  • Thông tin tư liệu và hợp tác quốc tế:

Đã xuất bản 4 cuốn sách, 67 bài báo các loại thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Những kết qủa này đã góp phần trong chuyển giao kết qủa nghiên cứu khoa học vào sản xuất của Phân viện.

Về hợp tác quốc tế, Phân viện tiếp tục duy trì và quan hệ tốt với các tổ chức như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế CIFOR, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ôxtrâylia CSIRO, Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Ôxtrâylia ACIAR, các doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp của Hàn quốc, Nhật Bản ở phía Nam. Dự án hợp tác nghiên cứu với ACIAR đã tạo cơ hội cho Phân viện đề cử 4 cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đi học nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Ôxtrâylia theo chương trình học bổng John Allwright, hiện nay 3 ngừơi tốt nghiệp, 1 người chuẩn bị bảo vệ.

Cơ sở vật chất:

Phân viện đã được tăng cường cơ sở vật chất như hệ thống văn phòng các trạm thực nghiệm như tại trạm Thạnh Hóa - Long An, Trạm Thiện Nghiệp - Bình Thuận. Tất cả các trạm thực nghiệm đã có điện lưới, nước sạch, đã hoàn tất việc cấp “sổ đỏ” cho 3 trạm thực nghiệm là Thiện Nghiệp, Tân Phú và Trung tâm ứng dụng kỹ thuật lâm nghiệp Bình Dương. Tất cả các trạm vùng xa đều được trang bị máy tính, hỗ trợ phương tiện đi lại (xe máy công hoặc cá nhân).

Đối với các phòng thí nghiệm, đã được đầu tư cho hai phòng thí nghiệm trọng điểm là phòng thí nghiệm CNSH và phòng thí nghiệm phân tích đất với với tổng nguồn vốn hai dự án năm 2011-2012 là gần 6,7 tỷ đồng. Đây là cơ sở vật chất rất có giá trị và thiết thực đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Phân viện tại phía Nam trong tương lai.

  • Công tác ổn định đời sống của CBVC:

Phân viện đã chú ý cải thiện đời sống, năm năm liền CBVC có tháng lương thứ 13, ước tính tổng thu nhập bình quân hàng năm của CBVC của các phòng NC đã đảm bảo được gấp đôi tiền lương, CBVC khối gián tiếp đã đảm bảo được hơn 1,5 lần. Hàng năm CBVC được đi tham quan nghỉ mát, tổ chức các hoạt động thi văn nghệ, thể thao (chơi bóng bàn, cờ tướng…).

4. Giai đoạn từ 2012 đến nay: Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

Để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Quyết định số 3133/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/12/2012 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam”. Theo đó, Phân viện Nghiên cứu Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ sáp nhập thêm Trung tâm Khoa học & sản xuất Lâm nghiệp Đông Nam bộ thành lập ngày 02/02/1989 và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Kỹ thuật rừng ngập Minh Hải thành lập ngày 07/10/1992 theo các quyết định của Bộ Lâm nghiệp (Nay là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn). Trên thực tế, hai Trung tâm này cũng tách ra từ Phân viện trước đây, ngày nay lại được tổ chức, sắp xếp lại và nâng cấp thành Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ./.

 

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

Số 01 Phạm Văn Hai, Phường 1, Q. Tân Bình, Tp.HCM

 

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 25

Truy cập ngày: 12030

Tổng truy cập: 254551