Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng và khai thác mũ trôm

Ngày đăng: 09/04/2021 - 03:55 PM

QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHAI THÁC, SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN MỦ CÂY TRÔM (Sterculia foetida L.)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 770/QĐ-KHLN-KH ngày 31/12/2018 của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt nam)

1. Cơ sở xây dựng quy trình

Quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế và bảo quản mủ cây Trôm (Sterculia foetida L.) dựa trên các kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “Nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật trồng và khai thác mủ cây Trôm (Sterculia foetida L.) ở vùng khô hạn Nam Trung bộ” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2013 - 2018.

2. Mục tiêu

Quy trình này quy định những yêu cầu và các biện pháp kỹ thuật khai thác, sơ chế và bảo quản mủ cây Trôm bao gồm từ khâu chuẩn bị hiện trường khai thác mủ, dụng cụ, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sơ chế và bảo quản từ đó góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.

3. Đối tượng và phạm vi áp dụng 

Quy trình này được áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm mủ cây Trôm tại vùng Nam Trung Bộ.

4. Nội dung thực hiện

4.1. Chuẩn bị dung cụ

Dụng cụ khai thác mủ cây Trôm gồm có:

+ Khoan cầm tay

+ Ghim bấm

+ Dụng cụ hứng mủ

+ Dụng cụ thu mủ

4.2. Chọn thời điểm khai thác 

- Thời gian khai thác: khai thác mủ Trôm được thực hiện vào mùa nắng, từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau, tổng thời gian khai thác trong năm khoảng 8 tháng. Trong thời gian cây Trôm thay lá (khoảng tháng 3 - 4) thì ngưng khai thác, tránh làm cây kiệt sức, không cho mủ.

- Tiêu chuẩn cây khai thác:

+ Với cây Trôm trồng thâm canh trên đất tốt, phát triển nhanh, tuổi khai thác từ 3 – 4 năm tuổi, chiều cao trung bình từ 3,5 - 4 m; đường kính bình quân tại vị trí 1,3 m từ 10 - 15 cm.

+ Với cây Trôm trồng trên đất khô cằn, nắng hạn, tuổi khai thác từ 5-7 năm tuổi, cao 4-5m, đường kính bình quân trên 15-20 cm.

+ Vườn cây đủ tiêu chuẩn đưa vào khai thác khi có khoảng 50% số cây đạt tiêu chuẩn.

4.3. Kỹ thuật khai thác mủ

Bước 1: Tiến hành vệ sinh phần vỏ trên thân cây tại vị trí dự kiến sẽ khoan lỗ bằng cách dùng dao cạo sơ qua phần vỏ cây chết nhằm làm sạch xung quanh vị trí khoan.

Bước 2: Dùng khoan tay, có kích thước mũi khoan tương đương Ф = 1,5 cm, khoan ở độ cao từ 0,5 m đến 0,8 m, mũi khoan được đặt vuông góc với thân cây. Khoan xuyên qua lớp vỏ, vừa tới phần gỗ thì dừng lại. Tùy theo kích thước cây Trôm khai thác ta có thể xác định được số lượng lỗ cần khoan.

Bước 3: Dùng ghim để có định dụng cụ hứng mủ ở phía dưới lỗ khoan (dụng cụ hứng mủ có thể dùng túi nilong, miếng nhựa hoặc nhôm)

Bước 4: Mủ ra sẽ theo thanh hứng mủ tạo thành thanh dài, mủ chảy gần hết thanh hứng mủ tiến hành thu mủ bằng cách kéo mủ thành thanh đặt lên dụng cụ thu mủ. Thời gian thu mủ sau 2-3 ngày tùy thuộc vào lượng mủ của từng cây, thời gian hết là lấy nhựa từ 10-15 lần sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành trở lại. Tiếp tục khoan các lỗ ở vị trí khác để khai thác mủ.

4.4. Kỹ thuật sơ chế

Mủ Trôm khi chảy ra ở dạng lỏng, sau khi tiếp xúc với không khí thì dần khô lại vì vậy khi thu mủ Trôm cần phải tạo hình ngay từ khi thu mủ, tránh việc gom mủ vào một chỗ vì khi để lâu mủ sẽ vón cục lại với nhau rất khó phơi, bảo quản sau này.

Khi mủ Trôm chưa phơi khô và cứng lại cần tiến hành vệ sinh mủ, loại bỏ các tạp chất lẫn trong quá trình khai thác mủ như vỏ, lá cây,….bằng kéo hoặc dao chuyên dụng sau đó tiến hành phơi Trôm từ 1-2 ngày với nắng gắt.

4.5. Bảo quản mủ Trôm

Mủ Trôm sau khi được phân loại và phơi khô cần được cất giữ trong túi bóng sạch, hộp nhựa sạch nơi thoáng mát để mủ không bị tiếp xúc với hơi nước và không khí bên ngoài, thời hạn sử dụng mủ từ khoảng 24 tháng.

TS. Phùng Văn Khen

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 8

Truy cập ngày: 12588

Tổng truy cập: 275269